Phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ

Phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ

Phú Thọ (TTXVN 8/10)

Nhằm hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 8/10, tại Phú Thọ, Quân khu 2, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Sư đoàn 316 tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 316 đề nghị đại biểu và cán bộ, chiến sĩ tập trung thảo luận, làm rõ hơn về danh xưng, danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ; những tác động tích cực của danh hiệu này đối với việc giữ gìn, phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ở Sư đoàn 316 thông qua những câu chuyện, việc làm cụ thể; đề xuất những giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 hội tụ những phẩm chất tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới…

Thông qua tọa đàm nhằm tập hợp ý kiến rộng rãi của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về giá trị danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ; khơi dậy niềm tự hào và phát huy giá trị cao quý danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó góp phần giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, phong phú hơn về những truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam và những đặc trưng tiêu biểu nổi bật của phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Các bài viết trong diễn đàn không chỉ có có giá trị về lý luận, khoa học, mà còn là những nội dung giáo dục lịch sử truyền thống rất thiết thực, bổ ích.

Đại úy Nguyễn Văn Triệu, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 chia sẻ, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ nhắc nhở chúng ta rằng, nhiệm vụ của mỗi người không chỉ dừng lại ở những công việc được giao, mà còn bao gồm việc phát huy tinh thần trách nhiệm với đồng đội và với Tổ quốc.

Đầu tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ hành quân lên Làng Nủ (xã Bảo Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) để tìm kiếm cứu nạn; tham gia giúp nhân dân huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) khắc phục hậu quả thiên tai… Qua những chuyến đi đó, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ khích lệ mỗi chiến sĩ trở thành tấm gương cho người dân, không chỉ trong các hoạt động chính trị, mà còn trong những việc làm thiết thực. Những chương trình giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa, hay các hoạt động hướng tới nhân dân, đều thể hiện rõ nét hình ảnh bộ đội Cụ Hồ luôn vì dân, vì nước.

Đại úy Đỗ Khắc Trình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 bày tỏ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta, luôn quan tâm, chăm lo xây dựng Quân đội trở thành lực lượng tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Chính sự gắn bó khăng khít, máu thịt ấy đã tạo tiền đề cho sự ra đời của danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Điều đó đã được chứng minh ngay từ trong tên gọi. Danh hiệu cao quý ấy có sự kế thừa, tiếp nối và phát triển cùng lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự Việt Nam.

Đặc trưng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không thể có ngay từ đầu mà phải trải qua một quá trình lâu dài, trường kỳ gian khổ, trải dài suốt lịch sử 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta. Việc phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là niềm khát khao, mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân…/.

Tạ Văn Toàn

Các tin khác