Bản quyền Thông Tấn Xã Việt Nam
Số 05 Lý Thường Kiệt - Hà Nội - Việt Nam
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cung đường 13 A huyền thoại
Yên Bái (TTXVN 15/5)
Cuối năm 1952, Chỉ thị của Trung ương giao cho Yên Bái nhiệm vụ mở đường 13A từ bến phà Hiên, tỉnh Tuyên Quang vượt qua đèo Lũng Lô, tỉnh Yên Bái nối với đường 41 tại ngã ba Cò Nòi, tỉnh Sơn La để phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ. Cung đường huyền thoại này đã ghi dấu ấn lịch sử của một thế hệ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái cùng cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
*Nối Việt Bắc với Điện Biên Phủ
Từ ATK Thái Nguyên, Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm xây dựng tuyến đường huyết mạch độc đạo, duy nhất mang tên 13A để nối liền căn cứ địa Việt Bắc với mặt trận Điện Biên Phủ. Bắt đầu từ bến phà Hiên qua sông Chảy, nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái chạy xuyên rừng đi Ba Khe (Yên Bái) vượt qua đèo Lũng Lô sang ngã ba Cò Nòi, tỉnh Sơn La, tuyến đường có chiều dài gần 200 km, phần mở mới 120 km, chủ yếu trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của tuyến đường, ngày 2/5/1953, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo Công trường đường 13A do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách, với nòng cốt là đơn vị công binh và các lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cùng nhân dân các huyện, thị của tỉnh Yên Bái ngày đêm xây dựng tuyến đường.
Là Đại đội trưởng Đại đội thanh niên xung phong C264, ông Trần Dần (90 tuổi đời, 67 tuổi Đảng), nguyên Phó ty Giao thông - Vận tải Nghĩa Lộ cho biết, việc mở đường 13A là một quyết định táo bạo, sáng suốt, có ý nghĩa chiến lược, quan trọng đối với mặt trận Điện Biên Phủ. Bởi phần lớn vũ khí, đạn dược, khí tài quân sự, lương thực từ an toàn khu Thái Nguyên và các tỉnh phía Bắc được vận chuyển qua cung đường này. Tuyến đường đã góp phần to lớn làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Dưới làn mưa bom bão đạn, bằng những phương tiện thô sơ, chủ yếu dùng sức người, thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình vô cùng hiểm trở nhưng chỉ trong vòng 200 ngày toàn bộ tuyến đường dài hơn 188 km đã được hoàn thành, sớm hơn dự kiến 1 tháng. Tuyến đường có kỷ lục về số lượng người lao động cùng lúc trên công trường, hơn 1 vạn người với 1.638.000 ngày công của các lực lượng tham gia.
Không chỉ đi qua vô vàn suối khe, vực sâu, tuyến đường phải vượt qua 2 đèo cao và hiểm trở là đèo Lũng Lô và đèo Chẹn với trùng trùng dãy núi đá vôi tai mèo. Đặc biệt, tuyến đường cắt qua ba con sông lớn là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà với những chiếc phà bằng gỗ và tre nứa buộc lại, trong đó lớn nhất là bến phà Âu Lâu vượt sông Hồng. Đây được xem như một kỳ tích mở đường lúc bấy giờ, cũng là kỳ tích của lòng quả cảm, sự hy sinh, tinh thần vượt gian khó của quân và dân Yên Bái.
Nhớ lại những ngày mở đường gian khổ nhưng đầy tự hào, ông Vi Văn Tính (92 tuổi), Cựu Thanh niên xung phong Đơn vị C236 tỉnh Yên Bái chia sẻ, không kể ngày đêm các lực lượng làm đường sát cánh bên nhau, thi đua lập thành tích ngày hôm nay phải hơn ngày hôm trước. Ngày đó chỉ có xà beng và cuốc xẻng, nam thì đục đá, đào đất còn nữ hót đất, bê đá san gạt mặt đường, nhiều chỗ phải treo mình trên núi cao để đục đá. Vượt lên tất cả khó khăn, nguy hiểm là tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng" mà chúng tôi ngày đó ai cũng thấm nhuần.
Trong hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Không có đường 13A thì không có Chiến dịch Điện Biên Phủ. Không có tuyến Lũng Lô - đèo Chẹn thì không có đường 13A. Không có Chiến dịch Điện Biên Phủ thì còn lâu kẻ thù mới sụp đổ hoàn toàn". Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng - đường 13A đã trở thành "con đường thắng lợi".
*Những địa danh đi vào lịch sử
Khi phát hiện ra tuyến đường, thực dân Pháp tăng cường đánh phá rất ác liệt, hơn 12 vạn tấn bom các loại đã được ném xuống cung đường, nhất là những vị trí quan trọng, như: tổng kho trung chuyển, bến phà, đèo cao... hòng ngăn chặn sự tiếp viện của ta cho mặt trận Điện Biên Phủ. Trong số đó có bến phà Âu Lâu vượt sông Hồng, nơi tập kết pháo mặt đất, pháo cao xạ và nhiều khí tài quân sự khác từ biên giới Lào Cai chuyển về theo đường sông Hồng.
Ông Nguyễn Văn Đích (91 tuổi), trú tại xóm Soi, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái là cựu chiến binh chống Pháp, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm trên bến Âu Lâu cách đây 70 năm về trước, ông cho biết: Ngày đó, những chiếc phà được kết nối bằng gỗ, tre nứa, thùng tôn tạo bè nổi, ban đầu chỉ dùng sức người với mái chèo bằng tay di chuyển phà qua sông. Đến đầu năm 1953, do phải vận chuyển nhiều vũ khí hạng nặng, bến Âu Lâu được trang bị thêm một phà gỗ trọng tải 12 tấn có ca nô lai dắt. Do ban ngày địch đánh phá ác liệt, cộng với biệt kích chỉ điểm, phà được kéo vào Ngòi Lâu xếp đá nhấn chìm để ban đêm lấy đá ra cho phà nổi lên đi làm nhiệm vụ, tránh sự phát hiện của địch.
Cùng với bến phà Âu Lâu qua sông Hồng, trên tuyến đường 13A còn nhiều địa danh có vị trí đặc biệt quan trọng khác. Trong số đó có đèo Lũng Lô, thuộc bản Dạ, xã Thượng Bằng La, huyện Văn chấn, nơi đây đã trở thành địa danh vô cùng nổi tiếng, vừa là điểm tập kết vừa là tổng kho trung chuyển, ghi dấu biết bao sự kiện lịch sử.
Là người trực tiếp chỉ huy Trung đội B76, Đại đội C86 tại đèo Lũng Lô, ông Hoàng Kim Tường ở thôn Muỗng, xã Thượng Bằng La, huyện Văn chấn (Yên Bái) chia sẻ, đây là đoạn đường đèo có địa hình hiểm trở nhất, với những dãy núi đá vôi, đá tai mèo rất khó thi công. Đồng thời, đây cũng là địa điểm bị đánh bom nhiều nhất, hàng nghìn tấn bom đã trút xuống đây. Nhưng chỉ bằng sức người với dụng cụ thô sơ, đoạn đường này vẫn hiên ngang đứng vững, đảm bảo thông suốt cho xe qua.
Tại nơi đây, nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại những vần thơ chân thực, ca ngợi khí thế hào hùng của quân và dân cả nước, dốc sức tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ: "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh". Địch càng đánh dữ dội thì tinh thần quả cảm giữ cầu, giữ đường của quân và dân tỉnh Yên Bái càng lên cao, như khẩu hiệu "Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm", "Xe chưa qua, ta chưa về"...
Cung đường lịch sử 13A ngày nào nay là Quốc lộ 37 và bến Âu Lâu, đèo Lũng Lô đã được tôn tạo, trở thành những di tích lịch sử cấp quốc gia. Là biểu tượng cho khát vọng dành độc lập tự do cho dân tộc của một thế hệ anh hùng. 70 năm đã trôi qua, nhưng tuyến đường và những địa danh sẽ mãi minh chứng cho một phần quá khứ hào hùng và làm rõ thêm những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử./.
Tiến Khánh